Những câu chuyện đầy nước mắt
Trong
một lần công tác tại trung tâm sáng kiến Sức khoẻ và Dân số, bà Hoàng
Tú Anh, giám đốc trung tâm đã chia sẻ những câu chuyện có thật về các
“chiêu” bạo hành của bố mẹ khi phát hiện ra con mình là người đồng tính.
Câu chuyện khiến người nghe “nằm mơ cũng chẳng tưởng tượng ra nổi”.
Hai
năm trước, một nam thanh niên tên M., 31 tuổi, ở TPHCM đã tâm sự với
chị rằng, khi biết M. bị đồng tính, mẹ cậu ta đã sốc đến nỗi không nói
được gì cả. Bà lặng người và đi thẳng một mạch vào nhà.
Khi
quay ra bà cầm trên tay cây gậy và cứ thế vừa khóc vừa đánh M. tới tấp.
Cậu thanh niên này cho biết thêm, có lần mẹ còn kêu chị gái lấy nước
mắm sát vào những chỗ chảy máu trên tay của cậu để cho đau mà chừa cái
tội đua đòi làm con gái, thích con trai. Lúc ấy, M. chỉ biết khóc và đã
khóc rất nhiều.
Nhiều
khi mẹ cậu ta đay nghiến: “Biết vậy hồi đó sao không đẻ ra trứng gà
trứng vịt bán còn được tiền còn hơn đẻ ra con người như mày, trai không
ra trai, gái không ra gái. Mày làm mất mặt tao, làm tao chẳng dám nhìn
ai nữa”. Sau đó, M. bị mẹ nhốt nhiều ngày trong phòng kín, rồi sáng nào
cũng chửi mắng, đánh đập một lần.
Để
cho cậu con trai “tỉnh ngộ”, mỗi ngày mẹ M. chỉ cho cậu được ăn một bát
cơm với nước mắm và một chút nước lọc. M. khóc và cho biết, nhiều khi
cậu cảm thấy mình chẳng khác gì những con vật nuôi trong nhà. Đối với
mẹ và chị gái, M. là một nỗi sỉ nhục, một người thừa.
Bác sĩ, Ths. Hoàng Tú Anh, giám đốc trung tâm sáng kiến Sức khoẻ và Dân số
Còn
gia đình em Nguyễn Thị Th. (27 tuổi), TPHCM khi phát hiện ra cô con gái
của mình thích nữ giới, họ đã tổ chức những lễ hầu thánh rất tốn kém và
trong thời gian dài để đuổi ma.
Đầu
tiên, họ bắt con mình đi cắt tiền duyên âm vì đoán là bị người dưới âm
sai khiến. Hết lễ này, vật nọ, hết “cô cò”, “cậu cò” nổi tiếng trong
Nam, rồi một hôm nghe danh ngoài Bắc có vị pháp sư cao tay bắt ma, gia
đình này quyết định đem con ra Bắc để bắt cho bằng được con ma khiến con
họ đồng tính.
Gia
đình Th. đưa cô lên một vùng núi khá hoang sơ, pháp sư là người dân
tộc. Th. chẳng hiểu ông ta khấn vái gì nhưng giam, hành hạ cô hơn 1 tuần
liền. Cứ sáng dậy, pháp sư lại lập đàn cúng bái lầm rầm đến tận chiều
mới nghỉ. Tuy hiên, hết 1 tuần, thấy con gái mình không hề thay đổi, bố
Th. lôi cô về TP HCM và ép lấy chồng ngay lập tức.
Cũng
theo bác sĩ Tú Anh, việc bị ép kết hôn, sinh con là rất phổ biến vì
nhiều cha mẹ cho rằng các bạn có khuynh hướng đồng giới vì chưa được
tiếp xúc với người khác giới. Thậm chí có trường hợp không thuyết phục
được con, người bố đã nhẫn tâm cho con gái mình uống thuốc ngủ nhằm tạo
điều kiện cho một người đàn ông khác cưỡng dâm. Sau sự việc đó, người
con gái đã phát điên. Người bố thì vô cùng ân hận nhưng mọi việc đã quá
muộn màng.
Dùng xã hội đen doạ con để “cai” đồng tính
TS.
Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi
trường cho biết, có một bạn nữ tên L. (22 tuổi), tại Hà Nội từng gọi
điện đến chia sẻ với ông chỉ để được lắng nghe và được khóc. L. cho
biết, đã lâu rồi, không ai muốn nói chuyện hay lắng nghe cô nói cả.
Trong nước mắt, cô gái đồng tính này kể, cách đây mấy tháng, cô đang yêu T. (một người giới tính nữ - PV).
Khi
phát hiện ra, mẹ L. sốc đến nỗi gần như “chết đi sống lại”. Sau đó, bố
mẹ dẫn L. ra hồ Tây, bắt L. lựa chọn- Một là sẽ cắt đứt quan hệ với bố
mẹ, coi như không có gia đình, muốn đi đâu làm gì thì đi. Hai là phải
trở về thành một đứa con gái bình thường và yêu con trai.
L. kiên quyết không đồng ý. Doạ tự tử, từ mặt không được, mẹ L. còn tìm đến tận cơ quan để làm nhục “người yêu” của con gái.
“Mẹ
đến cơ quan em nhưng may là hôm ấy bạn em lại ốm ở nhà. Mẹ bực tức chửi
toáng lên cho mọi người biết em và bạn em là dân đồng tính. Từ đó, mọi
người trong công ty nhìn em với con mắt khác hẳn”. L. tâm sự với TS.
Bình...
Để
quyết ngăn chặn tình cảm đồng giới của con gái, bà mẹ này đã thuê đầu
gấu để dằn mặt người tình của con. Rồi một ngày, L. và người yêu đang
ngồi trong công viên có 4-5 người mặt mũi bặm trợn đến để gây gổ và đánh
“người yêu” của cô. Một phần thì thương người yêu, một phần nghĩ sẽ
chẳng bao giờ mẹ bỏ cuộc nên L. đã đồng ý cắt đứt với người yêu.
Bố mẹ tống con vào trại tâm thần
Theo
Bác sĩ, ThS. Hoàng Tú Anh, nghiên cứu về cuộc sống của những người đồng
tính, bà đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bố mẹ đẩy con vào trai tâm
thần khi con mình hoàn toàn bình thường.
“Có
nhiều bạn đồng tính đã bị gia đình nhờ các mối quan hệ quen biết đưa
vào trại tâm thần với hy vọng nhờ các liệu pháp điều trị tâm thần bạn sẽ
thay đổi. Trong số đó, tôi nhớ nhất một bạn nữ tên M., 22 tuổi, ở Hải
Phòng.
Chỉ
vì là dân đồng tính mà bị bố mẹ nhẫn tâm đưa vào bệnh viện tâm thần hơn
1 tháng. Một tháng trong bệnh viện tâm thần cạnh những người bệnh thật
sự, cô gái gầy đi trông thấy và rơi vào tình trạng bị khủng hoảng tinh
thần”.
Hơn
1 tháng trong bệnh viện, M. luôn bị chìm trong những giấc ngủ cưỡng bức
của thuốc an thần và thuốc ngủ. Cuối cùng, không chịu được nữa, M. đã
thừa nhận mình sai, giả vờ “khỏi bệnh” để được thoát khỏi nơi địa ngục
đó. Tuy nhiên, hậu quả để lại của đợt “cai” đồng tính này đối với M.
thật nặng nề cả về thể xác lẫn tâm hồn.
TS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường
“Bệnh”
đồng tính thì không khỏi nhưng cơ thể M. lại bị chuốc thêm nhiều tác
dụng phụ từ những viên thuốc ngủ liều nặng đó. Hơn nữa, trong tâm trí cô
lúc nào cũng bị ám ảnh bởi những người tâm thần cùng phòng mà hơn 1
tháng trời cô phải chịu đựng trong bệnh viện.
TS.
Bình còn cho biết thêm, nhiều ông bố bà mẹ còn bạo hành con cái mình
bằng cách xích chân con cái mình để quản thúc như vật nuôi trong nhà. Họ
cứ tưởng rằng, con mình đồng tính là do không hiểu biết, đua đòi.
“Tôi
được một bạn nam đồng tính tên Nguyễn Minh Ch., 19 tuổi, tại Hà Nội
chia sẻ rằng đã từng bị bố xích vào cầu thang cạnh nhà vệ sinh, nhịn đói
trong 19 ngày, mỗi ngày chỉ được ăn một ít cơm và uống mấy ngụm nước.
Chỉ đến ngày thứ 20 không chịu đựng được nữa, cậu ta phải nói sẽ nghe
theo lời ba mẹ thì mới được mở xích”.
Trước
đó, vừa bị xích, Ch. vừa bị bố bắt ngủ trong phòng thờ của gia đình. Bố
cậu ta cho rằng, trách nhiệm lớn của con trai là chăm sóc bàn thờ tổ
tiên và hy vọng việc gắn cậu với chiếc bàn thờ gia tiên của gia đình sẽ
khiến cậu trở lại thành người đàn ông thực sự.
Chữa “lợn lành thành lợn què”
Theo
TS. Bình, ở Việt Nam, việc cha mẹ phát hiện con mình là người đồng tính
thực sự là một sự khủng hoảng gia đình. “Chính những cảm xúc tiêu cực
như vậy khiến cha mẹ có những phản ứng không tốt như chối bó, đánh đập
hoặc đuổi con ra khỏi nhà. Nhiều gia đình gây sức ép tâm lý, tìm cách
chữa trị hòng thay đổi xu hướng tình dục của con. Điều này không tạo
thay đổi trong xu hướng tình dục của con mà còn gây ra những hậu quả
nghiêm trọng. Đã có không ít trường hợp con cái bị trầm cảm, cô độc, tự
tử, dùng chất kích thích, thuốc phiện, học hành giảm sút hoặc bỏ nhà đi
bụi do bị cha mẹ cưỡng ép”, TS Bình nói.
Cũng
trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Hoàng Tú Anh cho rằng, đồng tính là một
xu hướng tình dục bình thường giống như các xu hướng tình dục khác. Vì
đây không phải là bệnh và cũng không phải do đua đòi nên các kiểu điều
trị hay cưỡng ép người đồng tính thay đổi xu hướng tình dục của mình đều
không kết quả.
Trong
khi xã hội chưa thay đổi, người đồng tính có thể sẽ phải chịu nhiều kì
thị và phân biệt đối xử từ xã hội. Do vậy, gia đình cần phải là điểm tựa
tin cậy cho họ, giúp họ có thêm nghị lực và niềm tin với cuộc sống.
TS.
Bình cũng cho biết, việc phát hiện con mình là đồng tính là một cú sốc
nhưng cú sốc này có thể được nguôi ngoai dần và có thể đi đến được một
sự chấp nhận. Quá trình này nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh
từng gia đình và môi trường sống.
Tuy
nhiên, các thành viên gia đình nên tìm cách giúp đỡ để họ vượt qua thử
thách, thậm chí có thể làm cho quan hệ gia đình gắn bó hơn, thấu hiểu
hơn và sâu sắc hơn sau khi biết con là đồng tính.
“Gia
đình, đặc biệt là cha mẹ có vai trò rất quan trọng với những người đồng
tính bởi với hầu hết những người đồng tính họ luôn phải trải qua một
thời gian lo lắng, sợ hãi, bối rối không biết mình bị làm sao.
Có
những người may mắn được hỗ trợ và có thông tin thì thời gian này ngắn
hơn, có thể chỉ là vài tháng hoặc vài năm. Có những người mất nhiều năm,
thậm chí là 10 năm hoặc hơn để biết mình là ai. Do vậy, những hỗ trợ,
động viên của gia đình là rất quan trọng”, Bác sĩ Tú Anh nhấn mạnh.
Hoa Liên – Bách Hợp
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề của báo Đời sống & Pháp luật.
0 nhận xét: